Đường sắt bắt đầu cho chạy lại tàu răng cưa độc đáo Đà Lạt – Trại Mát sau thời gian dài tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Chạy 6 đôi tàu khứ hồi Đà Lạt – Trại Mát trung bình khoảng 2 giờ/chuyến
Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, sau thời gian tạm dừng do thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị bắt đầu tổ chức chạy lại tàu du lịch Đà Lat Plateau rail road giữa ga Đà Lạt và ga Trại Mát.
Đây là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam, phục vụ du khách tham quan thành phố Đà Lạt. Hàng ngày trên tuyến đường này có 6 đôi tàu đi và về với giãn cách khoảng 2 giờ/chuyến. Chuyến sớm nhất, tàu ĐL1 xuất phát ga Đà Lạt lúc 5h40, đến Trại Mát lúc 6h10; chiều ngược lại, tàu ĐL2 xuất phát ga Trại Mát lúc 6h40, đến ga Đà Lạt lúc 7h10. Khởi hành muộn hơn là tàu ĐL3 xuất phát ga Đà Lạt lúc 7h45; tàu ĐL4 xuất phát ga Trại Mát lúc 8h15. Và chuyến muộn nhất, tàu ĐL11 xuất phát ga Đà Lạt lúc 16h05; tàu ĐL12 xuất phát ga Trại Mát lúc 17h05.
Về giá vé, ngành đường sắt cho biết sẽ có chính sách giảm giá vé cho khách mua khứ hồi, vé đoàn tập thể, tùy theo số khách trong đoàn. Theo đó, giá vé cá nhân cao nhất (loại chỗ VIP) là 100.000 đồng/lượt, nhưng nếu mua khứ hồi chỉ 150.000 đồng/2 lượt. Giá vé cá nhân thấp nhất (ghế ngồi cứng) 72.000 đồng/lượt; khứ hồi chỉ 108.000 đồng/2 lượt.
Vé tập thể, từ 15-29 khách một đoàn, loại chỗ VIP 90.000 đồng/khách/lượt, ghế ngồi cứng 65.000 đồng/khách/lượt. Đoàn từ 30 khách trở lên, loại chỗ VIP 85.000 đồng/khách/lượt, ghế ngồi cứng 61.000 đồng/khách/lượt.
Tận hưởng vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt bằng tảu hỏa độc đáo
Theo đại diện Chi nhánh Vận tải đường sắt Bình Thuận, dù chiều dài quãng đường giữa hai ga Đà Lạt – Trại Mát chỉ 7km nhưng hành trình chạy tàu mất khoảng 1 giờ, gồm cả chiều đi và chiều về. Do tàu chạy chậm với tốc độ 15km/h để du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt qua khung cửa sổ của tàu. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng những vườn rau xanh mướt, vườn hoa đủ sắc màu, đồi thông… Toa tàu được thiết kế như toa tàu cổ cách đây gần trăm năm nên hành khách có thể chụp ảnh “check in” trên tàu.
Ngoài ra, hành khách còn có thể tham quan nhà ga Đà Lạt, công trình nổi bật với kiến trúc kiểu Pháp, được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Ga được thiết kế có hình dáng như núi Langbiang huyền thoại, có nhiều dài là 66,5m, chiều ngang 11,4m và chiều cao 11m.
Tuyến Đà Lạt – Trại Mát là đoạn đường sắt còn lại của tuyến đường sắt leo núi Tháp Chàm – Đà Lạt trước đây. Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được người Pháp bắt đầu thi công từ năm 1908, đến năm 1932 hoàn thành toàn tuyến với tổng chiều dài 84km, 12 ga và chạy qua 5 hầm xuyên núi. Trong đó, có đoạn tuyến đặc biệt dài khoảng 16km là đường sắt răng cưa leo núi gồm 3 đoạn. Những đoạn này được thiết kế thêm đường ray răng cưa ở giữa hai ray chính đường khổ 1.000mm. Đầu máy được thiết kế gắn thêm bánh răng để bám vào đường ray răng cưa.
Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray trên tuyến đường Tháp Chàm – Đà Lạt được tháo gỡ. Hiện chỉ còn đoạn đường sắt răng cưa Đà Lạt – Trại Mát đang khai thác chạy tàu du lịch.