Vé tàu hỏa Trà Kiệu Quảng Nam

4.5/5 - (88) lượt đánh giá

Trước đây, tôi có nhóm bạn làm chung, tuổi xêm xêm nhau. Sau một số chuyển chỗ làm nên giờ mỗi người một nơi, thỉnh thoảng tụ tập, lai rai cùng nhau.

Tuần rồi, cả nhóm gặp nhau tại một quán bia hơi nhân dịp sinh nhật của tôi. Thắng người Quảng Nam báo chuẩn bị về quê giỗ Cha. Vợ con nó đã về từ đầu hè, nó bận việc nên gần tới ngày mới về được.

Quê Thắng ở Trà Kiệu – Duy Xuyên – Quảng Nam, kinh đô của vương quốc Champa cổ. Sẵn dịp công ty cho nghỉ luân phiên vì thiếu đơn hàng, tôi theo Thắng về Quảng Nam. Nghe chúng tôi bàn về chuyến đi, Hải (quê Tây Ninh) và Bằng (quê Vĩnh Long) cũng muốn tham gia.

Kinh đô Trà Kiệu
Kinh đô Trà Kiệu

Ban đầu chúng tôi định bay ra Đà Nẵng rồi quay vào Trà Kiệu (cách sân bay khoảng 45km). Sau một hồi bàn luận, chúng tôi quyết định đi tàu hoả (Hải và Bằng muốn trải nghiệm), oke, quyết.

Việc mua vé tàu giờ rất thuận tiện, bấm số gọi cho Tổng đài bán vé tàu hoả 1900636212 là xong, xử lý trong vòng một nốt nhạc, Thắng nói. Chúng tôi mua 1 khoang 4 giường nằm của tàu SE6 cho 4 đứa từ Sài Gòn ra Trà Kiệu.

Hải và Bằng lần đầu bước chân lên tàu nên có vẽ lạ lẫm, tâm trạng háo hức. Đúng 15h30’, tàu kéo còi rời ga Sài Gòn. Chưa kịp ổn định, 2 đứa đã rủ nhau “khám phá” đoàn tàu, ngó nghiêng mọi ngóc ngách. Chúng thích thú ngắm nhìn phố phường lướt qua cửa sổ.

Trước giờ cứ tưởng tàu dơ dáy, lộn xộn và thiếu an toàn, nhưng không phải vậy, Hải nhận xét. Sạch sẽ, gọn gàng, thú vị hơn đi xe và máy bay, đúng là quyết định sáng suốt, Bằng nói.

Tôi và Thắng nói chuyện với nhau về vùng đất Trà Kiệu và thánh địa Mỹ Sơn. Hải và Bằng thì say mê ngắm nhìn, bàn tán về cảnh vật lướt qua bên ngoài cửa sổ.

Vé tàu đi Trà Kiệu
Vé tàu đi Trà Kiệu

Qua Long Khánh, nhân viên bắt đầu phục vụ ăn chiều với thực đơn khá đa dạng và bắt mắt. Chúng tôi mua 4 suất cơm với thực đơn khác nhau với tổng số tiền 150.000đ. Thắng và Hải còn lên toa dịch vụ mang về mấy lon bia lạnh và ít đồ khô.

Tàu vào Bình Thuận, chúng tôi vừa ăn vừa ngắm nhìn những dãy núi thấp dưới ánh trăng. Làng quê 2 bên thưa thớt, yên bình, gợi cho chúng tôi một nỗi buồn man mác. Cũng giống như Quảng Nam, vùng đất Bình Thuận trước đây thuộc về Vương quốc Champa cổ. Vương quốc Champa chạy dài từ mũi Hoành Sơn (Quảng Bình) cho đến Biên Hòa. Gồm 4 tiểu vương quốc : Amaravati – Vijaya – Kauthara và Panduranga.

Đến ga Nha Trang thì đêm đã khuya, tôi xuống ga mua một ít nem nướng Ninh Hoà và bia để tiếp sức cho các nhà “sử học” đang bàn luận về Vương quốc Champa. Theo những người chuyên đi tàu thì qua ga Nha Trang, cứ phải thưởng thức nem nướng Ninh Hoà. Nem được nướng trên bếp than tỏa mùi thơm phức, cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm chua. Đúng là … hết nước chấm.

Thắng kể về vùng đất Trà Kiệu quê nó với sự hiểu biết khá sâu sắc. Đây là vùng đất có lịch sử lâu đời, là kinh đô cổ của vương quốc Champa.

Vương quốc Champa thời kỳ Lâm Ấp hình thành từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Kinh đô ban đầu của Lâm Ấp đóng ở Huế với tên gọi là Kandapurpura (đô thị Phật). Các tên gọi khác là: Phật Thệ, Phật thành, Thành Lồi, Điển Xung). Cuối thế kỷ thứ 4, do chiến tranh tàn phá, kinh đô được chuyển về Trà Kiệu, bên dòng sông Thu Bồn với tên gọi là Simhapura (đô thị Sư tử). Thánh địa tôn giáo thời kỳ này là Mỹ Sơn (cách Trà Kiệu 20km). Kinh đô Simhapura tồn tại đến giữa thế kỷ thứ 8 thì chuyển vào Ninh Phước, Ninh Thuận, gọi là Virapura (Hùng Tráng thành). Thánh địa tôn giáo cũng dịch chuyển từ Mỹ Sơn về khu thánh địa Po Nagar, Nha Trang.

Kinh đô Virapura tồn tại từ năm 757 đến năm 875 thì chuyển ra Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam. Gọi là kinh đô Indrapura (từ năm 875 đến năm 982). Indrapura là kinh đô hoàn chỉnh, gồm cả hoàng cung, thành quân sự, hệ thống các tháp canh, các di tích tôn giáo, khu chế tác đá cổ để xây dựng đền đài … Theo đánh giá của giới khảo cổ học, đây là khu kinh đô còn đầy đủ các di tích kiến trúc chức năng nhất trong số các dấu tích kinh đô của Vương quốc cổ Champa.

Hiện nay Indrapura đã bị hủy hoại bởi chiến tranh, thiên tai, và ngay cả con người nữa. Nó đã bị biến thành bình địa, một đống đổ nát, chỉ còn lại nền chính và một ít dấu tích của các bức tường, và các thềm cửa. ít ai biết về sự tồn tại của nó, giọng Thắng đượm buồn và tiếc nuối.

Trở lại Trà Kiệu, đây là một địa chỉ mà giới khảo cổ trong nước và quốc tế quan tâm. Từ cuối thế kỷ 19 đến nay đã có nhiều cuộc khai quật lớn nhỏ, đầu tiên là của Cammille Paris năm 1891, của Louis Finot năm 1899 … đến các cuộc khai quật trong các năm 1996, 1997,1999, 2000, 2003 và năm 2013 của Đại học Quốc gia Hà Nội, của nhóm nghiên cứu, gồm GS Ian Glover, TS Yamagata Mariko, TS Ruth Prior, TS William Southworth, TS Nguyễn Kim Dung, Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, Đại học Kanazawa (Nhật Bản) ….

Trà Kiệu hiện nay rất ít dấu tích của cố đô xưa, chỉ còn bờ tường thành dài gần 1km còn sót lại đang đứng trước nguy cơ biến mất do sự thiếu ý thức bảo vệ của cư dân địa phương và tác động của thời tiết.

Thắng trầm ngâm nói tiếp: Trà Kiệu phải được tăng cường bảo vệ và tôn tạo, cần có nhiều cuộc khai quật nữa để thấy được sự vĩ đại của thành Simhapura, phải lập bảo tàng trưng bày các hiện vật khai quật được ở đây và tái hiện hình ảnh của Kinh đô xưa, tuyên truyền giáo dục để người dân hiểu về lịch sử và văn hóa của người Chăm….

Tàu qua Phú Yên, vào Bình Định, tôi tính tàu đến Diêu Trì sẽ xuống mua xôi gà, đặc sản của ga cho cả nhóm ăn thử. Tuy nhiên chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tàu gần ga Trà Kiệu, Thắng gọi mọi người dậy, sắp xếp đồ để xuống ga.
Khi việc ở nhà Thắng xong xuôi, chúng tôi ghé thăm Thánh địa Mỹ Sơn, cách Trà Kiệu không xa.

Mỹ Sơn là một quần thể với nhiều đền đài, là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Champa. Kiến trúc Thánh địa Mỹ Sơn chịu nhiều ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các đền tháp được xây dựng bằng gạch đá, chủ yếu quay về hướng Đông – là hướng mặt trời mọc cũng là nơi trú ngụ của thần linh. Cấu trúc đền, tháp được chia làm 3 phần bao gồm: đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp.
Năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Việt Nam coi đây là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Thánh địa Mỹ Sơn được xây dựng cùng thời với kinh đô cổ Trà Kiệu. Là Thánh địa tôn giáo của vương quốc Champa thời kỳ Lâm Ấp và thời kỳ Indrapura.

Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các Thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Champa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực.

Kỹ thuật xây dựng các đền, tháp ở Mỹ Sơn của người Chăm cho tới nay vẫn còn bí ẩn. Giới khảo cổ vẫn chưa có câu trả lời về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và cách xây dựng.

Tuy Mỹ Sơn đã chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh và thời gian. Các công trình đã bị phá hủy và bị mất dần. Nhưng với sự nỗ lực khôi phục và bảo tồn của Nhà nước, ngày nay, Mỹ Sơn vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho du khách, nơi họ có thể khám phá kiến trúc độc đáo và tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của vương quốc Champa.

Chúng tôi chia tay mảnh đất Quảng Nam để trở lại Sài Gòn trên chuyến tàu SE5. Cảm xúc buồn vui lẫn lộn, vui vì có một chuyến đi tốt đẹp, hiểu thêm được nhiều điều, buồn vì nhìn thấy sự điêu tàn của những di tích lịch sử. Còn rất nhiều điều còn muốn khám phá ở vùng đất Quảng Nam. Nhất định tôi sẽ quay lại Quảng Nam để tìm hiểu thêm vùng đất và con người nơi đây.

==>> Xem thêm: Vé tàu Đà Lạt Trại Mát

Viết một bình luận

0335 023 023