Chuyến tàu ước mơ – Tôi quê là vùng bán sơn địa, gần với tuyến tàu hoả bắc nam chạy qua. Hồi nhỏ mỗi lần thấy đoàn tàu đi qua, trong tôi lại mong ước một ngày nào đó sẽ được đi trên những con tàu này đến với những vùng đất mới. Ước mong đó lớn dần cùng năm tháng.
– Khi lớn lên, tôi có những chuyến đi tới các vùng miền trong cả nước. Nhưng phương tiện cho các chuyến đi chưa bao giờ là tàu hoả. Ước mong hồi nhỏ của tôi bị lãng quên như chưa hề tồn tại.
Vừa rồi có việc về quê, khi xong việc đang tính mua vé máy bay vào lại TP. Hồ Chí Minh thì có người bạn rủ đi tàu. Sẵn đang dịp rảnh rỗi, tôi quyết định trải nghiệm chuyến tàu Bắc Nam từ quê vào Nam. Việc mua vé tàu hiện nay rất thuận tiện với giá cả phù hợp. Có thể mua ở ga, qua các trang web hay qua Tổng đài bán vé tàu hỏa 1900 636 212 trên toàn quốc.
Bước chân lên tàu, cảm giác đầu tiên là nhân viên thân thiện, nhiệt tình, tàu đúng giờ. Các toa xe sạch đẹp, gọn gàng và có cả ổ cắm điện để sạc pin điện thoại. Các toa đều có bình nước nóng lạnh (có thể dùng để pha mì gói), nhà vệ sinh và lavabo.
Tàu kéo một hồi còi bắt đầu rời ga đi vào màn đêm, qua những vùng quê yên tĩnh. Ngồi ngắm nhìn những cánh đồng, ngọn núi và làng mạc dưới ánh trăng, những ký ức về những miền quê và ước mong hồi nhỏ lại ùa về trong tôi.
Đêm về khuya, hầu hết mọi người đã ngủ, chúng tôi xuống toa dịch vụ ăn tối. Một tô mì bò với vài lon bia lạnh, nhìn làng mạc lướt qua cửa sổ, thật là yên bình. Giá cả ở đây rất bình dân và thức ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh.
Tàu đi qua vùng đất Quảng Bình, mặt trời bắt đầu ló rạng trên biển. Mọi người bắt đầu lấy máy ra để ghi lại khung cảnh tráng lệ của thiên nhiên với bờ biển dài, đồi cát trắng và những cánh quạt turbin sừng sững của Cánh đồng điện gió trải dài tít tắp. Một khung cảnh hùng vĩ hút hồn du khách.
Nhân viên bắt đầu phục vụ suất ăn sáng với thực đơn khá đa dạng. Toa vé ngồi bên cạnh là đoàn của 1 công ty ở Hà Nội đi du lịch ở Đà Nẵng. Ăn sáng xong, họ tổ chức các trò chơi rất vui nhộn, náo nhiệt làm chúng tôi cũng vui lây.
Tới ga Huế, tàu dừng khoảng 10 phút, tranh thủ xuống mua đặc sản mè xửng Huế để làm quà. Ngồi uống tách trà nóng, trò chuyện với các cô gái bán hàng để được nghe giọng nói đầm ấm và dịu dàng của người xứ Huế.
Trong suốt hành trình, có lẽ cung đường đẹp nhất là từ Huế vào Đà Nẵng. Đoạn đường này, hầu như đường tàu chạy sát biển và song song với quốc lộ 1. Qua vịnh Lăng Cô, mọi người như lắng đọng bởi vẻ đẹp thơ mộng, ngọt ngào khó tả thành lời. Những cồn cát trắng, nước biển trong xanh nằm sát với những dãy núi cao ngút ngàn. Chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch cho chuyến đi mùa hè, đưa gia đình khám phá vùng đất này.
Tàu qua đèo Hải Vân với những ngọn núi lẫn trong mây mờ, chân núi chìm trong nước biển mênh mông. Con đường 1 uốn lượn quanh chân núi trong màu xanh bất tận của rừng cây nguyên sinh. Tàu chạy uốn lượn theo sườn núi với những con suối chảy dưới chân, chui qua những đường hầm và trở ra với những khung cảnh mới. Hầu hết hành khách đều đến gần cửa sổ để ngắm nhìn khung cảnh tráng lệ của thiên nhiên. Xa xa là thành phố Đà Nẵng với những tòa nhà cao nằm trên bờ biển.
Tàu đến ga Đà Nẵng, thời gian dừng ở đây là 20 phút. Chúng tôi xuống ga dạo chơi, mua mấy cái bánh tráng và ít lon bia lạnh đưa lên tàu. Bánh tráng có giá chỉ 5.000đ nhưng rất ngon với nhân là bò khô, pate, trứng cút, hành phi… Kèm nước chấm đậm đà. Tàu rời ga Đà Nẵng, tôi tưởng mình lên nhầm chuyến vì thấy tàu chạy ngược lại với lúc trước. Hỏi ra mới biết tàu chạy ra khỏi ga mới rẽ vào nhánh khác, tiếp tục hành trình vào Nam trên chuyến tàu ước mơ.
Tàu rời ga cũng đến giờ ăn trưa với khá nhiều thực đơn để chọn, giá khoảng 35.000đ/suất. Chúng tôi mua 2 suất cơm vừa ăn vừa nhâm nhi bia lạnh và bánh tráng, ngắm nhìn những cánh đồng và những tháp Chăm ẩn hiện xa xa của vùng đất Quảng Nam. Tôi đã mấy lần ghé thăm Quảng Nam, vùng đất Chiêm Thành xưa kia. Ở đây có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, mảnh đất “Trung dũng kiên cường” giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, vùng đất với phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, các tháp Chăm và Kinh đô cổ Trà Kiệu.
Tới Quảng Ngãi, chúng tôi vừa ngắm nhìn cảnh quan vừa trò chuyện về vùng đất này. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử với Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Chăm Pa. Ở đây có các Lễ hội truyền thống, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ hội được tổ chức vào các ngày 18, 19, 20 tháng 4 âm lịch hàng năm ở đảo Lý Sơn để tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận mà không trở về. Đó cũng là một cách để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Vào ga Diêu Trì, Bình Định, trời xế chiều, chúng tôi xuống mua 2 thứ là đặc sản ở đây. Đó là xôi gà và rượu Bầu Đá (nhiều “Phượt thủ” còn gọi ga Diêu Trì là ga gà). Theo “dân phượt”, qua Diêu Trì mà không thưởng thức món ăn xôi gà thì coi như chưa đi phượt của chuyến tàu ước mơ.
Các món ăn được bày bán dọc theo sân ga, hấp dẫn nhất là những món ăn với gà. Gà luộc, cơm gà, cháo gà, gỏi gà và đặc biệt nhất là xôi gà. Ở mỗi quán đều có những con gà luộc vàng ươm, những tỏi gà rán màu mật ong, những đĩa gà xé phay trắng nõn bên cạnh những chõ xôi nghi ngút khói. Giá cả cũng khá rẻ, cháo gà 15.000 – 20.000 đồng/tô, cơm hay xôi gà khoảng 20.000 – 30.000đ/hộp, mua nguyên một con gà cũng chỉ 80.000 – 100.000đ. Gà nuôi thả trong vườn nên thịt rất chắc và thơm, được lấy từ huyện Diêu Trì và Tuy Phước.
Rất nhiều người trên tàu cũng xuống mua, mỗi người chọn một phần tùy theo sở thích của mình. Chúng tôi mua xôi gà luộc, cơm gà rán chặt miếng và 1 bình rượu nhỏ. Mấy người cùng toa, người mua nguyên cái đùi gà, người mua gà xé phay trộn rau răm… Mỗi phần xôi gà đều kèm theo miếng chanh, gói muối tiêu, một quả ớt xiêm. Thịt gà chắc, dẻo, sớ gà nhỏ, mịn, xé thành từng miếng tỏa mùi thơm phức, vị ngọt thanh. Rượu Bầu Đá trong vắt, thơm và nặng, có xuất xứ ở xã Nhơn Lộc (An Nhơn). Tương truyền, khi Bình Định còn là kinh đô của Chiêm Thành, rượu Bầu Đá là thức uống dùng để tiến vua Chế Mân. Nguồn nước dùng để nấu rượu cũng chỉ duy nhất lấy từ một bầu đá trong vùng. Không dùng loại nước này, rượu sẽ bị thay đổi mùi vị, màu sắc, không còn là rượu Bầu Đá.
Tàu tiếp tục hành trình trong đêm để vào tới ga cuối Sài Gòn. Những cánh đồng nhỏ, xa hơn là dãy núi huyền ảo dưới ánh trăng và bờ biển dài. Qua Khánh Hòa là Ninh Thuận, Bình Thuận với những dãy núi đá khô cằn, thời tiết khắc nghiệt. Tới vùng đất Đồng Nai, những vườn cây trải dài, hút tầm mắt, làng quê trù phú, bình yên.
Tàu đưa chúng tôi về tới ga Sài Gòn trong không khí dịu mát của buổi sáng sớm. Một trải nghiệm thú vị lần đầu trong đời – một Chuyến tàu ước mơ, bước khởi đầu cho những chuyến đi khác bằng tàu hoả. Trước mắt là kế hoạch cho chuyến đi Sài Gòn – Đà Nẵng để khám phá biển Lăng Cô và ghé thăm cố đô Huế.
Vé tàu hỏa ghi!